ĐÀO TẠO KIẾN TRÚC SƯ PHÁP NGỮ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG HÀ NỘI

ĐỔI MỚI SAU MỘT THẬP KỶ ĐÀO TẠO KIẾN TRÚC SƯ PHÁP NGỮ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG HÀ NỘI: MỞ RỘNG CÁNH CỬA ĐỂ BƯỚC VÀO THẾ GIỚI
 
TS.KTS Trần Minh Tùng
Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Phụ trách Chương trình đào tạo Kiến trúc sư Pháp ngữ, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
 
Ảnh hưởng của người Pháp lên văn hóa và kiến trúc tại Việt Nam
Sự hiện diện một thế kỷ của người Pháp đã mang lại cho lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam những thay đổi lớn khi chuyển dần từ cách thức xây dựng truyền thống chủ yếu dựa trên kinh nghiệm “cha truyền con nối” của những người thợ thủ công sang những phương thức thực hành xây dựng hiện đại thực hiện bởi những con người có nghề nghiệp chuyên môn được đào tạo bài bản tại các trường đại học.
Để phục vụ cho nhu cầu kiến tạo kiến trúc tại Việt Nam, bên cạnh những kiến trúc sư đến từ Pháp, người Pháp mong muốn có được các kiến trúc sư bản địa nhằm kết hợp bản sắc và thực hành nghệ thuật truyền thống phương Đông với những kỹ thuật cũng như giá trị thẩm mỹ mới của phương Tây. Thành lập và khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương được xây dựng với mục đích đào tạo cho người bản xứ về hội họa, điêu khắc, trang trí và kiến trúc, nhằm sử dụng lực lượng này thay thế dần những chuyên gia người Pháp thực hiện các công việc xây dựng và trang trí tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Bằng tốt nghiệp Kiến trúc sư Đông Dương đánh dấu một nghề nghiệp mới được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp tại Việt Nam

Như vậy, người Pháp, thông qua việc xây dựng một trường nghệ thuật, sẽ trợ lực các nghệ nhân bản địa trở nên thành thạo trong các ngành mỹ thuật được “Tây phương hóa”, trong đó có lĩnh vực kiến trúc. Những Kiến trúc sư đầu tiên được người Pháp đào tạo trên chính đất nước Việt Nam đã trở thành nền tảng - “những người cầm đuốc” tiên phong cho giới kiến trúc Việt Nam sau này. Sự lãng mạn nhưng chặt chẽ của kiến trúc cổ điển Phương Tây kết hợp với những thực hành sáng tạo thích ứng với bối cảnh bản địa đã khiến những công trình xây dựng trong thời kỳ thuộc địa Pháp trở thành những di sản kiến trúc có giá trị trong tâm thức của người Việt chúng ta. Chính sự ảnh hưởng và kế thừa các giá trị của văn hóa nói chung và kiến trúc nói riêng trong lịch sử tương tác giữa hai đất nước, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của cộng đồng các nước Pháp ngữ.
Là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ 5 trên thế giới, không gian Pháp ngữ là một tập hợp của 88 quốc gia trên tất cả các lục địa. Năm 1997, Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp. Sự kiện này được xem như một dấu mốc khép lại quá khứ để mở ra một tương lai mới trong mối quan hệ Pháp - Việt. Chiến lược quốc tế của Pháp đối với tiếng Pháp do Tổng thống Emmanuel Macron trình bày vào ngày 20 tháng 3 năm 2018, xoay quanh 33 biện pháp dành cho việc học tập, giao tiếp và sáng tạo bằng tiếng Pháp. Trong khuôn khổ chính sách song phương, mục tiêu của nước Pháp là phát triển các hoạt động hợp tác với các chính quyền địa phương để phát triển tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục và hoạt động giảng dạy, trong đó có Việt Nam.

Đào tạo Kiến trúc sư pháp ngữ tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Với bề dày lịch sử trên 60 năm, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có nhiều hoạt động đào tạo chất lượng dựa trên mối quan hệ Pháp - Việt, đặc biệt là năm 2017, trở thành cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn kiểm định quốc tế khi nhận được giấy chứng nhận của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp.
Kiến trúc được xem như một trong những ngành chủ lực làm nên thương hiệu Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng, trở thành địa chỉ đào tạo Kiến trúc sư hàng đầu trong cả nước. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), chương trình đào tạo Kiến trúc sư Pháp ngữ tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chính thức bắt đầu từ khóa 56 (năm học 2011-2012) với lớp 56KDF khởi nguồn từ chương trình đào tạo Kiến trúc sư chất lượng cao ngành Kiến trúc được thành lập từ năm 2009 (khóa 54). Kể từ khóa 66 của năm học 2021-2022, đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển, chương trình đào tạo Kiến trúc sư Pháp ngữ đã có một sự chuyển mình với những mục tiêu mới cao hơn khi hướng tới chuẩn đầu ra Kiến trúc sư quốc tế có năng lực chuyên môn và sử dụng ngoại ngữ tốt để có thể làm việc, tự tin phát triển nghề nghiệp không chỉ ở môi trường trong nước mà còn có thể ở môi trường quốc tế cạnh tranh; và có khả năng và nhiều cơ hội tiếp tục học tập nâng cao trong nước và quốc tế.
Cùng với những đổi mới đào tạo mang tính cách mạng tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đào tạo Kiến trúc sư Pháp ngữ sẽ chia thành 2 bậc theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam: bậc Cử nhân kiến trúc (4 năm) + bậc Kiến trúc sư / Thạc sĩ kiến trúc (+ 1,5 năm). Việc thay đổi này nhằm hướng đến một sự quốc tế hóa trong đào tạo, tương ứng với hệ thống LMD “Licence - Master - Docteur” (Cử nhân - Thạc sĩ - Tiến sĩ) hiện đang áp dựng tại Pháp cũng như các nước trong Cộng đồng Châu Âu. Mặt khác, nội dung và cấu trúc chương trình được xây dựng hoàn toàn mới theo chuẩn đầu ra về đào tạo Kiến trúc sư của Ủy ban Kiểm định Kiến trúc Quốc gia Hoa Kỳ (NAAB) - một trong 7 chuẩn đào tạo Kiến trúc sư chất lượng được công nhận toàn cầu - với hệ thống Đồ án tích hợp, các chuyên đề Kiến trúc chuyên sâu, cùng các môn học chuyên ngành theo những xu hướng phát triển kiến trúc tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của xã hội trong thời đại Công nghiệp 4.0. Các học phần được giảng dạy theo phương pháp tiếp cận CDIO “Conceive - Design - Implement - Operate” (Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Thực hiện - Vận hành), chú trọng phát triển kỹ năng bên cạnh kiến thức, đáp ứng yêu cầu hành nghề thực tế của xã hội.
Chương trình đào tạo mới sẽ chú trọng đến việc học và tăng cường sử dụng tiếng Pháp trong quá trình học tập. Sinh viên được ưu tiên hỗ trợ tham gia các hội thảo, seminar, workshop, cuộc thi kiến trúc quốc tế... để nâng cao khả năng và tự tin trong giao tiếp. Sinh viên sẽ làm việc với các GV được lựa chọn trong Khoa Kiến trúc & Quy hoạch và các Khoa chuyên ngành khác giàu kinh nghiệm giảng dạy, có chuyên môn giỏi, nhiệt huyết và được đào tạo từ nước ngoài, đặc biệt là tại các nước nói tiếng Pháp như Pháp, Canada, Bỉ... Ngoài ra, sinh viên cũng được định hướng phát triển nghề nghiệp chuyên môn thông qua các chuyên gia khách mời đến từ các doanh nghiệp, công ty, văn phòng thiết kế lớn là đối tác lâu năm, mà đa phần trong số họ là những cựu sinh viên của Khoa Kiến trúc & Quy hoạch thành đạt trong lĩnh vực kiến trúc.

 

Các lớp KDF luôn nhận được sự hỗ trợ cao nhất của Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
cả trong các hoạt động đào tạo lẫn hoạt động ngoại khoa 

KDF - lớp Kiến trúc Pháp ngữ: “ít nhưng mà chất”

Nhìn lại sau 10 năm, một thời gian tuy chưa phải là dài nhưng cũng không hẳn là ngắn, chương trình đào tạo Kiến trúc sư Pháp ngữ tại Trường Đại học Xây dựng đã thu nhận được nhiều thành công nhất định khi nhiều SV thuộc các lớp KDF đã khẳng định mình trên con đường phát triển học tập lẫn thực hành nghề nghiệp chuyên môn.
Các sinh viên lớp Kiến trúc Pháp ngữ KDF, ngoài việc học tập với sự hỗ trợ của AUF (Tổ chức Đại học Pháp ngữ) thông qua nguồn học bổng ngắn và dài hạn tại các nước nói tiếng Pháp (Pháp, Canada, Bỉ...), họ còn có thể học tập tại các doanh nghiệp thông qua thực tập và thực hành nghề nghiệp; học tập từ các cuộc thi, workshop, xưởng thiết kế, giải thưởng kiến trúc...; học tập từ các chuyến đi tham quan Xuyên Việt, giao lưu với SV các trường khác trong, ngoài nước; học tập từ các học kỳ trao đổi sinh viên quốc tế hay học tập với các cơ hội chuyển tiếp tại các trường đối tác nước ngoài của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (Pháp, Canada, Đức, Tây Ban Nha, Italia...).

Lớp Kiến trúc Pháp ngữ KDF - cánh cửa bước vào thế giới

Điều này được minh chứng rõ ràng khi những năm vừa qua, số lượng sinh viên nhận được học bổng du học tại Pháp để tiếp tục phát triển chuyên môn sau khi học ở Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là tương đối ấn tượng. Những cựu sinh viên này, điển hình như Lê Phương Thảo (56KDF), Đinh Tuấn Hải (56KDF), Tạ Thúy Hồng (56KDF), Đào Duy Tùng (57KDF), Đỗ Đình Trọng (58KDF), Nguyễn Phi Hùng (60KDF)..., được các sinh viên khóa sau nhắc đến nhiều như những tấm gương và kinh nghiệm về các phương pháp tiếp cận quốc tế. Tiếp nối các thế hệ đi trước, thế hệ những sinh viên KDF các khóa gần đây cũng có nhiều thành công, chẳng hạn Nguyễn Kiên Tố (61KDF), Trần Công Hoan (61KDF), Hà Khánh Hòa (62KDF)... khi đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi lớn về kiến trúc cho sinh viên cả trong nước và quốc tế.
Thực tế đào tạo cho thấy, các lớp Kiến trúc Pháp ngữ tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tuy có số lượng sinh viên mỗi khóa không nhiều nhưng đó thực sự là những sinh viên chất lượng, mà sau này sẽ là những kiến trúc sư “thiện chiến” bởi họ được tiếp cận nghề nghiệp sớm ngay từ khi đang đi học; đáp ứng linh hoạt nhiều vị trí công việc hành nghề khác nhau (thiết kế, giám sát, thi công, quản lý...) trong các chuyên ngành kiến trúc và xây dựng (nội thất, cảnh quan, đô thị...); hoạt động nghề nghiệp đa năng như giảng dạy và nghiên cứu, điều phối và chủ trì, quản trị và quản lý toàn diện công tác thiết kế và xây dựng; môi trường, cơ hội việc làm đa dạng (cơ quan nhà nước, doang nghiệp tư nhân, liên doanh nước ngoài...) và tự do (hoạt động cá nhân, tự thành lập doanh nghiệp...); thu nhập khá và ổn định; và một số đã lựa chọn con đường tiếp tục học tập, hành nghề và định cư ở nước ngoài.
Kể từ khóa 66, Chương trình đào tạo Kiến trúc sư Pháp ngữ sẽ có thêm ký tự C vào ký hiệu lớp để thành 66KDFC. Chữ C này không chỉ đơn thuần để chỉ một Chương trình đào tạo mới tiếp cận theo phương pháp CDIO, mà đối với Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, đó còn là một sự khởi đầu (Commencement) cho một giai đoạn phát triển mới trong đào tạo Kiến trúc Pháp ngữ.